Hiểu được sở thích, đam mê của bạn thân sẽ giúp các bạn trẻ lựa chọn được một ngành nghề phù hợp để phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Có không ít học sinh có thành tích học tập tốt được gia đình định hướng vào ngành y vì đó là ngành học danh giá. Song các bạn tâm sự rằng thi như vậy nhưng không biết mình có phù hợp với ngành đó không?
Xây đắp nền tảng tương lai
Để có được lựa chọn tốt nhất ngay từ những năm đầu trung học phổ thông các bạn trẻ cần phải bắt đầu chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản về lựa chọn nghề nghiệp. Theo đó, các bạn trẻ cần tiếp cận thông tin tuyển dụng về các vị trí việc làm, yêu cầu của nhà tuyển dụng qua các phương tiện truyền thông.
Từ đó bạn hãy ghi ra những việc mình quan tâm. Tiếp đến là tìm cách tiếp cận thực tế bằng cách tiếp xúc, giao lưu với những người làm trong ngành nghề đó hoặc tham quan các nhà máy…
Bên cạnh đó bạn cũng hãy giành thời gian để tìm hiểu ghi lại các thông tin cơ bản về học phí, điều kiện học tập, sinh hoạt… và xem chúng có thực sự phù hợp với bản thân mình không?
Trong quá trình đưa ra quyết định, các thí sinh cũng nên tham khảo thêm xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện nay để có được lựu chọn phù hợp nhất.
Những lĩnh vực nghề nghiệp tương ứng với từng tính cách
Theo lý thuyết của Holland, người có khả năng về kỹ thuật, công nghệ, hệ thống; ưa thích làm việc với đồ vật, máy móc, động thực vật; thích làm các công việc ngoài trời là người thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp R, phù hợp với các ngành về kiến trúc, an toàn lao động, nghề mộc, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông – lâm nghiệp, cơ khí, điện – điện tử, địa lý – địa chất…
Người có khả năng về nghệ thuật, trí tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp A, phù hợp với các ngành về văn chương; báo chí; kiến trúc; điện ảnh; sân khấu; ca nhạc; mỹ thuật; múa; thời trang; hội họa…
Người có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp I, phù hợp với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học sự sống; khoa học xã hội; y – dược; khoa học công nghệ, nông – lâm.
Người có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp S, phù hợp với các ngành nghề như sư phạm, giảng viên, huấn luyện viên điền kinh; tư vấn – hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thư viện, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, nữ hộ sinh, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng…
Người có khả năng về số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với dữ liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc thích làm công việc văn phòng thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp C, phù hợp với các ngành nghề về hành chính, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán, thư ký, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên…
Người có khả năng về kinh doanh, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác, có khả năng quản lý thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp E, phù hợp với các ngành nghề về quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, kế toán – tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu, kỹ sư công nghiệp, bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng, báo chí…