Home Tin tức Con gái học ngành kỹ thuật như “vàng lên giá”

Con gái học ngành kỹ thuật như “vàng lên giá”

0
2,531

So với nam giới, nữ giới thường cẩn thận và siêng năng hơn nên khi theo học ngàng ký thuật sẽ có rất nhiều lợi thế. Theo đó, có rất nhiều công việc trong ngành kỹ thuật phù hợp với nữ như lắp ráp linh kiện điện tử, vận hành máy, test bo mạch…

Ước mơ tự xây dựng ngôi nhà của riêng mình trong tương lai, Hứa Anh Đào quyết định chọn học ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng và trúng tuyển ngành học này của Trường CĐ Giao thông vận tải III.

Con gái mê nghề của cha

Là người trong nghề, ba của Đào hiểu rõ nghề xây dựng khá vất vả nên khi biết con gái muốn học ngành này đã khuyên ngăn, nhưng rồi cũng chiều ý con.

Trong suốt thời gian theo học tại trường, Đào gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về thể lực và chứng sợ độ cao khi học thực hành hoặc thực tập thực tế. Tuy nhiên, quan niệm rằng đây là con đường để mình chạm đến ước mơ và không để phụ lòng ba mẹ, Anh Đào đã cố gắng vượt qua sự yếu kém lớn nhất của bản thân, đó là sợ độ cao.

“Lần đi thực tập ở một công trình nhỏ, sinh viên phải leo giàn giáo để lên sàn nghiệm thu xem công nhân có làm đúng không rồi mới đổ bêtông. Đây chỉ là công trình nhà hai tấm, nên vấn đề an toàn lao động không được đảm bảo.

Lúc đó, tôi phải cố gắng… nhắm mắt để lên sàn, lên được rồi lại không dám xuống vì thời tiết nắng nóng mình bị chóng mặt. Nhưng cuối cùng, tôi đã vượt qua được sự sợ hãi đó” – Anh Đào kể.

Sáng đến xưởng thực hành của khoa Cơ khí chế tạo máy Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã thấy một cô gái đeo kính cận đang vận hành máy tiện ở hàng máy trên cùng với thao tác nhanh nhẹn, thuần thục. Đó là Cao Nguyễn Huyền Trang, sinh viên năm 2, “bóng hồng” duy nhất của khoa Cơ khí chế tạo máy.

Sáng đến xưởng thực hành của khoa Cơ khí chế tạo máy Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã thấy một cô gái đeo kính cận đang vận hành máy tiện ở hàng máy trên cùng với thao tác nhanh nhẹn, thuần thục. Đó là Cao Nguyễn Huyền Trang, sinh viên năm 2, “bóng hồng” duy nhất của khoa Cơ khí chế tạo máy.

“Ở nhà, ba có mở một xưởng cơ khí nhỏ, từ bé mình đã được quan sát ba làm việc. Điều khiến mình thích thú nhất là được chứng kiến từ một cục sắt thô nhưng qua quá trình gia công của ba đã tạo ra các sản phẩm rất đẹp. Cứ vậy, niềm đam mê nghề cơ khí của mình được nuôi dưỡng, bồi đắp qua từng sản phẩm cơ khí của ba”, Trang chia sẻ.

Có lẽ hiểu được đam mê của con gái nên khi Huyền Trang quyết định chọn theo học ngành Cơ khí chế tạo máy, ba mẹ không phản đối dù trước đó đã định hướng cho Trang theo học ngành kinh tế.

“Khi vào học thấy cả khoa chỉ có mỗi mình là con gái nên cũng ngại, nhưng trong quá trình học được thầy và các bạn nam hỗ trợ rất nhiều làm cho mình có thêm động lực học tập” – Trang nói.

Kể cho chúng tôi nghe về quy trình gia công tạo ra những sản phẩm cơ khí, dù phải trải qua nhiều công đoạn tiện, mài giũa, cưa, hàn… khá vất vả nhưng với Trang đó lại là niềm vui.

Trang cho rằng nhiều người nghĩ nghề cơ khí nặng nhọc, phải tiếp xúc với dầu mỡ dơ bẩn… không phù hợp với nữ nhưng thực tế không hẳn vậy. “Hiện nay lĩnh vực cơ khí có nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ, con người chỉ thực hiện các thao tác điều khiển máy, không cần “đứng” máy nhiều.

Chỉ cần thao tác điều khiển đơn giản bằng máy tính, máy CNC có thể cắt kim loại theo những đường cong dễ dàng như đường thẳng, thậm chí là đục rỗng bên trong khối phôi, tỉa những đường hoa văn chính xác. Các bạn nữ có thể học lập trình máy tính. Vì vậy nghề cơ khí cũng rất phù hợp với nữ” – Trang nói.

Ưu thế của nữ học kỹ thuật

Nguyễn Thị Thu Hương, nữ sinh viên duy nhất ngành Kỹ thuật xây dựng khóa 5 tại Trường CĐ Quốc Tế TP.HCM, hứng khởi chia sẻ: “Nhiều người nói con gái học ngành này khô khan với chán lắm. Riêng tôi không thấy vậy.

Từ khi học xây dựng đến nay, tôi được học thêm nhiều thứ, từ kết cấu móng, kết cấu dầm sàn đến thiết kế công trình, sắp xếp không gian nhà ở, văn phòng. Tôi thấy vui mỗi khi đến lớp vì được học những điều mình thích”.

Khưu Thảo Trân là một trong năm nữ sinh viên lớp Công nghệ kỹ thuật ôtô khóa 9 Trường CĐ Viễn Đông, luôn đạt kết quả học lực khá giỏi. Trân cho biết bên cạnh sức khỏe không bằng các bạn nam thì môn học về điện là điểm yếu kém của mình. “Tuy nhiên, càng khó thì tôi càng muốn học và chinh phục nó” – Trân nói.

Để khắc phục nhược điểm, khi không hiểu Trân hỏi lại các bạn để nắm rõ hơn, tập trung hơn mỗi khi học về điện và tự tìm hiểu tài liệu sau buổi học.

“Điện là một yếu tố quan trọng trong nguyên lý hoạt động của một chiếc ôtô. Không nhanh nhạy như các bạn nam thì mình phải cần cù hơn mới hiểu được” – nữ sinh viên ngành ôtô nói thêm.

Khi thực tập kỹ thuật viên tại doanh nghiệp, Thảo Trân nhận thấy thêm nhiều điều thú vị về nghề kỹ thuật ôtô này.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm 2 khoa Công nghệ tự động Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, lén gia đình thi ngành Cơ điện tử vì quá đam mê. Mặc dù đã trúng tuyển ngành Cơ điện tử ở một trường ĐH tại TP.HCM nhưng mẹ không đồng ý cho Thảo theo học ngành này.

Thảo đành nghỉ học một năm để… thuyết phục mẹ cho mình theo đuổi đam mê. Năm sau, Thảo trúng tuyển vào ngành Công nghệ điện tử Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.

“Ban đầu mình chỉ nghĩ đơn giản những việc nam làm được thì nữ cũng sẽ làm được. Với ngành điện tử mình được thỏa sức sáng tạo, có thể làm ra những sản phẩm công nghệ tự động. Càng học mình càng thấy thú vị và thích thú.

Học ngành này không có gì nặng nhọc, những trường hợp như hàn linh kiện thì sự tỉ mỉ của các bạn gái không chỉ tạo ra một bo mạch đẹp mà rất bền, chứ không dễ bị hở như các bạn nam chỉ chấm cho dính lại không đẹp” – Thảo khẳng định.

Ở trường, Thảo còn là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi về lập trình xe chạy tự động, robot sumo… “Các bạn nữ nếu thực sự yêu thích tự động hóa thì nên theo học ngành điện tử. Học ngành này sẽ có thêm nhiều kiến thức để làm ra các sản phẩm độc đáo. Hiện nay các công ty điện tử nhiều nên cơ hội việc làm dành cho các bạn nữ cũng rất nhiều” – Thảo nói.

Thạc sĩ Tôn Ngọc Triều, trưởng khoa Điện – điện tử Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết trong quá trình học, sinh viên nữ vẫn phải vượt qua các kỳ thực hành, thực tập thì mới đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghề nghiệp mới có thể tốt nghiệp ra trường.

Tuy nhiên, ở các tiết học nếu có những thao tác nặng thì nhà trường vẫn có các hình thức khác để giảm nhẹ nhưng vẫn đảm bảo kiến thức và kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, được tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn tận tình từ các giảng viên trong quá trình học tập, hằng năm các nữ sinh viên ngành kỹ thuật đạt kết quả học tập tốt đều được nhận học bổng nữ sinh kỹ thuật HEEAP.

“Ví dụ ngành Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, ở lớp các em nữ vẫn lắp ráp, sử dụng các dụng cụ cầm tay, khoan cắt rất tốt. Khi thực tập ở công trường sinh viên nữ vẫn được ưu tiên làm ở khu vực ở dưới hoặc tại các nhà máy đều có các dụng cụ bổ trợ tự động” – ông Triều chia sẻ.

Thạc sĩ Phạm Văn Lới – trưởng bộ môn Điện công nghiệp – cho rằng do tâm lý chung thì ngành kỹ thuật nên dành cho nam, nhưng thực tế có những vị trí nữ làm sẽ tốt hơn. Sinh viên nữ ra trường đều có việc làm, thậm chí có bạn đã đi làm trong quá trình học. Hiện nay, tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang có nhu cầu chỉ tuyển nữ làm các khối ngành kỹ thuật.

Nguyễn Thị Quỳnh Chiêu, nữ sinh viên năm cuối khoa Điện – điện tử, cho rằng: “Thực tế các bạn nữ thường có suy nghĩ đối với các ngành kỹ thuật chỉ dành cho nam. Chính suy nghĩ này khiến các bạn nữ ngại theo học các ngành kỹ thuật. Nếu thực sự đam mê thì đừng ngại giới tính. Nữ thường siêng năng, cẩn thận nên khi theo học ngành kỹ thuật sẽ lợi thế hơn nam rất nhiều. Hiện nay có nhiều công việc rất nhẹ nhàng phù hợp với nữ như lắp ráp linh kiện điện tử, vận hành máy, test bo mạch…”.

Xem thêm bài viết liên quan

Đọc thêm bài viết

Quan niệm nghề nghiệp sai lầm trong quá trình tìm kiếm việc làm

Thực tế hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ có những quan niệm sai lầm trong quá trình tìm kiếm…