Bộ GD&ĐT dự kiến, phải đến cuối tháng 1/2018, mới công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Việc này dẫn đến nhiều giáo viên, học sinh cho rằng việc công bố đề tham khảo và phạm vi ôn tập như vậy là muộn, thí sinh sẽ không có nhiều thời gian làm quen, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.
Thí sinh “mơ hồ” về đề thi
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về tổ chức dạy học lớp 12 năm học 2017-2018 và ôn thi THPT Quốc gia năm 2018, có nhấn mạnh, nội dung ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 bao gồm chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 THPT, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; chú ý tới các nội dung dạy học đã được điều chỉnh theo hướng dẫn của Bộ.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 (Ảnh minh họa)
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải và bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Dự kiến, cuối tháng 1/2018, Bộ sẽ công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Việc công bố này nhằm tạo điều kiện để giáo viên, học sinh có thể làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập phục vụ cho kỳ thi.
Như vậy, sau suốt cả một học kỳ vừa học vừa chờ chủ trương, đề thi minh họa từ Bộ GD&ĐT cho kỳ thi THPT năm 2018, nhiều học sinh lớp 12 ở thời điểm hiện vẫn còn “mông lung” cho kỳ thi sắp tới. “Hiện tại em bắt đầu chuyển sang ôn kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, em đang gặp vấn đề là nếu học hết kiến thức lớp 11 thì quá nhiều mà học tủ thì không biết giới hạn kiến thức ở đâu. Khi Bộ thông báo sẽ công bố đề thi tham khảo cuối tháng 1/2018, dù thấy khá muộn nhưng em vẫn rất mừng và cảm thấy yên tâm vì cuối cùng em không còn phải thấp thỏm, hoang mang giữa biển kiến thức lớp 11 nữa”, Đỗ Khánh Phương (lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, Nguyễn Phan Hoàng Anh (lớp 12, Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Theo kế hoạch, từ tháng 1 em và nhiều bạn đã chuyển sang giai đoạn luyện đề để làm quen với áp lực phòng thi, mà đến thời điểm đó Bộ mới công bố đề tham khảo thì em thấy hơi muộn, lại chưa hề có thông báo gì đến phạm vi kiến thức ôn tập. Hiện tại, em vẫn chưa chuyển sang ôn lớp 11 vì khối lượng kiến thức khá lớn, em đang chờ đề minh họa của Bộ và giới hạn kiến thức lớp 11 cần học”.
Giáo viên cũng “khắc khoải” chờ
Mọi năm, đến khoảng tháng 12 học sinh cơ bản đã định hình được cơ bản kỳ thi THPT Quốc gia để có khoảng 6-7 tháng ôn tập, nhưng năm nay Bộ GD&ĐT chưa công bố các thông tin quan trọng liên quan tới kỳ thi khiến nhiều giáo viên cũng cảm thấy lo lắng cho các học trò. Thầy Nguyễn Thành Công, Giáo viên môn Sinh học Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đến thời điểm tháng 12/2017 mà Bộ vẫn chưa công bố đề thi minh họa phục vụ cho các thí sinh, điều này dẫn tới tạo cảm giác mông lung cho các thí sinh trong việc ôn tập. Khiến học sinh có cảm giác lo sợ trước kỳ thi vì không biết phải ôn tập thế nào. Ngay cả với các giáo viên, với lượng kiến thức lớn hơn năm trước nhưng vẫn chưa thể có được những hình dung về phân bố câu hỏi giữa các lớp, các thầy cô và các em học sinh cùng “bơi” trong bể kiến thức rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng theo thầy Nguyễn Thành Công: “Điều gì cũng có hai mặt, với các học sinh chăm chỉ và có định hướng học tập, các em sẽ có kế hoạch học những kiến thức theo lộ trình và theo kế hoạch đã công bố của Bộ, cũng tránh tình trạng học lệch, học tủ của thí sinh. Để việc dạy và học của giáo viên và học sinh được thuận lợi, việc công bố đề thi minh họa theo lộ trình 3 năm là cần thiết, hy vọng rằng trong giai đoạn tới Bộ sẽ công bố đề minh họa để làm yên lòng các thí sinh, thầy cô giáo và các phụ huynh”.
Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Hải, Giáo viên luyện thi THPT Quốc gia môn Vật lí tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi cũng cho rằng, Bộ công bố đề minh họa muộn như năm nay sẽ khiến kế hoạch ôn tập của học sinh cũng như kế hoạch dạy của giáo viên bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng nhiều nhất là với những học sinh tích cực, các bạn thường sẽ hoàn thành chương trình lớp 12 từ rất sớm, nhưng sẽ không biết ôn chương trình lớp 11 như thế nào để đạt kết quả tốt. Còn với những bạn học sinh thụ động thì không ảnh hưởng nhiều vì chưa học xong chương trình lớp 12.
“Đối với giáo viên, để xây dựng 1 chương trình học tốt thì cần khoảng thời gian khá dài (tối thiểu là 2 tháng) để hệ thống kiến thức, hệ thống bài tập, biên soạn tài liệu. Việc đến tháng 1/2018 giáo viên mới biết kiến thức lớp 11 cho trong đề thi như thế nào từ đó mới biên soạn là tương đối muộn”, thầy Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ thêm.