Cao Đẳng Kinh Tế Công Nghệ Hà Nội

5 kỹ năng cần thiết đối với cán bộ công tác xã hội

Những năm gần đây, ngành công tác xã hội được nhắc đến như một nghề quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của xã hội. Công tác xã hội là nghề có vai trò giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ hòa nhập với cộng động. Nghề này ra đời với sứ mạng hàn hắn những rạn nứt của xã hội, giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội và hướng đến sự phát triển bền vững, nhân văn.

Với sứ mạng cao cả là vậy, nên nghề này cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có rất nhiều kỹ năng cần thiết như: kỹ năng lắng nghe, quan sát, giao tiếp, tham vấn, ghi chép…. Không chỉ vậy, người làm công tác xã hội cần kết hợp các kỹ năng trên một cách nhuần nhuyễn để đạt hiệu quả công việc cao nhất.

Kỹ năng lắng nghe

Kỹ năng này đòi hỏi người cán bộ xã hội phải biết quan sát hành vi của đối tượng một cách tinh tế, tập trung. Hơn nữa, cần tôn trọng, chấp nhận đối tượng cũng như vấn đề của họ, giúp họ nhận biết rằng mình đang được quan tâm, chia sẻ.

Kỹ năng này đòi hỏi người cán bộ nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt, bằng cả tấm lòng.

Kỹ năng quan sát

Nên quan sát đối tượng để hiểu đối tượng cũng như hoàn cảnh của họ. Người cán bộ xã hội phải có khả năng nhận thức tinh tế về các vấn đề của đối tượng, biết cách quan sát tổng thể hành vi, diện mạo bên ngoài của đối tượng. Ngoài ra còn biết cách quan sát đặc điểm về tâm lý, đặc biệt những sắc thái tình cảm xảy ra giữa đối tượng với người khác.

Kỹ năng giao tiếp

Một người cán bộ xã hội tốt, chuyên nghiệp cần có kỹ năng giao tiếp tốt, hoạt bát. Để thự hiện tốt kỹ năng này, người cán bộ xã hội phải có khả năng thiết lập các mối quan hệ, biết cách lắng nghe, quan sát, biết cách thu thập và xử lý thông tin qua việc đặt câu hỏi…

Kỹ năng tham vấn

Đây là quá trình cán bộ xã hội sử dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn để giải quyết vấn đề. Để thực hiện được kỹ năng này thì người cán bộ xã hội phải biết phối hợp và sử dụng nhuẫn nhuyễn các kỹ năng cụ thể như lắng nghe, đặt câu hỏi, thấu hiểu,…

Kỹ năng ghi chép

Nên ghi chép tất cả những gì diễn ra trong quá trình trợ giúp đối tượng. Mục đích của việc này là giúp cán bộ xã hội làm cơ sở đánh giá kết quả của sự tương tác giữa cán bộ xã hội và đối tượng. Để thực hiện kỹ năng này thì cán bộ xã hội phải có trình độ chuyên môn cao; phải có kiến thức, hiểu biết về cá nhân và phải có kỹ nãng giao tiếp tốt.

Xã hội ngày càng phát triển nên ngành công tác xã hội cần được đầu tư và đẩy mạnh hơn nữa. Điều này góp phần kiến tạo một xã hội cân bằng, nhân ái với những nền tảng bền vững.

Với mục tiêu giảm thiểu những rào cản, sự bất công trong xã hội và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ là nghề công tác xã hội đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên hiện đang công tác trong nghề cần nâng cao hơn nữa sự tận tụy, trách nhiệm với nghề; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.